Đông Phương Thần Thánh Đế Quốc

Chương 4: NỬA ĐÊM TẬP DOANH

/130


Lại nói, khi bên ngoài doanh trại có những tiếng hò reo vang dội như muốn tập kích quân doanh, thì bên trong doanh trại, tướng sĩ quân Chiêm ai vẫn cứ làm việc nấy, ai canh gác tiếp tục canh gác, ai ngủ cứ tiếp tục ngủ. Đặc biệt là số thương binh và những người phải cõng thương binh, do cả ngày hành quân mệt nhọc nên đều kiệt sức, ngủ say như chết. Cả bọn đều lo dưỡng sức cho cuộc hành quân ngày mai. Lúc này đây, quân Chiêm sợ nhất là thời gian hành quân ban ngày, không biết rồi sẽ gặp phải chuyện khủng bố gì nữa. Thủ đoạn của Đông Giang tộc khiến cả bọn không lạnh mà run. Cả Chiêm tướng cũng vô kế khả thi, không biết đường nào mà đề phòng.

Lúc này, từng làn gió mát thổi tới, đám quân Chiêm canh gác còn rất cao hứng, thậm chí có người nói :

- Tối nay trời còn không tệ nha. Ăn no rồi, còn có gió mát, thật là sung sướng. Chả bù với tối qua, trời nóng không chịu được.

Bên cạnh lập tức có người tán đồng :

- Đúng thế ! Đúng thế ! Xem ra vận xui sắp rời khỏi chúng ta rồi. Ngày mai tình hình có thể khá hơn.

Giữa lúc đó chợt có người bảo :

- A ! Không đúng nha ! Sao bọn mọi cứ hò reo mãi không dứt vậy nha. Bọn chúng không mệt thì chúng ta cũng thấy mệt.

Những người còn lại đều lắng tai nghe, rồi gật gù nói :

- Phải đó nha. Mấy đêm trước bọn chúng chỉ kéo đến reo hò một lúc thôi hà.

Chính giữa lúc bọn quân Chiêm bàn tán phân phân thì từ xa có vô số mũi tên bắn tới như mưa. Vút. Vút. Vút … Những mũi tên vô tình bay tới, giết hại hay trọng thương hàng loạt quân Chiêm. Bọn quân Chiêm phụ trách canh gác này hoàn toàn không tận chức, địch nhân kéo đến sát bên cạnh rồi mà vẫn không hay biết, để đến nỗi ám tiễn thương thân. Nhưng thật ra chuyện này cũng không thể trách được bọn chúng. Giữa đêm tối chẳng nhìn rõ được gì, chỉ có thể phân biệt người qua lại bằng thanh âm. Nhưng thanh âm lúc này thì … Khắp bốn phía đều vang dội những tiếng hò reo. Ngoài những tiếng hò reo liên tục dội vào tai, đã liên tục mấy đêm liền khiến bọn họ gần như miễn dịch, thì bọn chúng không thể nghe được thanh âm nào khác. Dân binh của Đông Giang tộc lẳng lặng tiến đến gần mà bọn chúng không hề hay biết.

Những cảnh trạng tương tự cũng diễn ra ở những hướng khác. Tất cả số quân Chiêm canh gác ở vòng ngoài đều bị giải quyết gọn gẽ. Dân binh Đông Giang tộc lại lặng lẽ tiến sát vào trong. Và lại một đợt tập kích các toán quân Chiêm canh gác nữa. Nhưng lần này không hoàn toàn giữ được bí mật. Mục đích bạo lộ.

Chiêm tướng cũng là một người năng chinh thiện chiến, bố trí canh gác gồm cả hai bộ phận ‘minh’ và ‘ám’. ‘Minh’ là những toán quân Chiêm canh gác bên ngoài. Còn ‘ám’ là số quân Chiêm ẩn núp trong những lùm cây bụi cỏ. Dân binh Đông Giang tộc sát hại được những toán quân Chiêm canh gác ở bên ngoài thì bị nhóm ‘ám’ báo động. Toàn doanh trại quân Chiêm được lệnh báo động toàn quân.

Mục đích bạo lộ, không còn thế bất ngờ, Phạm Đống Cao chỉ huy dân binh dưới quyền chuyển sang thực hiện phương án hai, nghênh ngang xuất hiện, đường đường chính chính tiến công vào doanh trại. Chiêm tướng được tin báo, đã tập họp gần nghìn quân Chiêm còn đủ sức chiến đấu (những kẻ không phải thương binh hay ban ngày không phải cõng thương binh) kéo ra ngăn chống. Địch quân chưa đến 500, gã tin rằng với số quân đó cũng đủ sức giải quyết.

Phạm Đống Cao cùng chúng dân binh sau một phen xông sát, thấy đại đội quân Chiêm kéo ra, liền nhanh chóng rút lui. Bọn họ đều thông thạo địa hình rừng núi vùng này, di chuyển trong rừng nhanh như gió, quân Chiêm không sao đuổi kịp. Chiêm tướng rút kinh nghiệm những lần bị tập kích trước đây, cũng không cho quân đuổi theo. Kiểm điểm ba quân, thấy tổn thất hơn 200 người, Chiêm tướng giận quá, không chỗ phát tiết, chỉ có thể lớn tiếng mắng chửi Đông Giang tộc xảo quyệt đê hèn, không dám đường đường chính chính đối trận cùng gã ta. Gã không nghĩ rằng quân sĩ của gã đều là quân chính quy tinh nhuệ, còn phía Đông Giang tộc toàn là dân binh. Song phương đối trận thì đâu thể nào gọi là công bằng cho được. Kẻ mạnh dùng sức, kẻ yếu dùng mưu là thiên kinh địa nghĩa.

Thế nhưng, gã ta chỉ mắng chửi được mấy câu thì phải dừng lại, vì có binh sĩ đến báo nam dinh bị địch nhân tấn công. Gã ta cả kinh, vì nam dinh chính là nơi cất giữ lương thực, nếu có gì bất trắc thì toàn quân lâm nguy. Do đó gã lập tức suất lĩnh quân đội cứu viện nam dinh.

Kéo quân đến nam dinh, gã vội dàn quân phòng ngự, bảo vệ khu vực chứa lương thực. Vì giữa đêm tối, để đề phòng bất trắc, gã không dám phản công mà chỉ lo phòng ngự, chờ trời sáng sẽ hay. Dù sao thì cũng chỉ vài giờ nữa thôi thì trời sẽ sáng. Sau khi bố trí phòng ngự xong, gã mới rảnh rang quan sát tình hình. Đến lúc này gã chấn kinh không sao tưởng tượng được. Phía xa xa, cả hai hướng đông nam và tây nam có vô số bó đuốc chiếu sáng rực cả một vùng, và đối phương đang chỉnh quân, chuẩn bị tấn công về phía này. Tiếng hò reo vang trời dậy đất. Quan trọng hơn cả, nhìn thoáng qua cũng có thể xác định được ở mỗi phía ít nhất cũng có đến 1.000 người. Chẳng lẽ Đông Giang tộc kéo hết trai tráng trong tộc đến đây. Và gã ta càng thêm quyết tâm phòng ngự, chỉ cầu giữ cho được kho lương. Còn đánh nhau thì lúc nào đánh cũng được, chẳng cầu chi ngay lúc này.

Núi rừng Kiềm Châu.

Giờ đây quanh doanh trại của Chiêm quân khắp tứ bề đều nghe thấy những tiếng hò reo vang dội. Nhưng Chiêm tướng cho rằng tất cả đều là hư trương thanh thế, chỉ có hướng tấn công vào nam dinh là thật, bởi vì toàn doanh trại chỉ có nam dinh là quan trọng nhất, là nơi chứa lương thực, là mệnh mạch của toàn quân.

Nghe thấy quá nhiều tiếng hò reo từ cả bốn phía dồn đến, Chiêm quân ai nấy đều khẩn trương, nhưng dưới sự đốc thúc của Chiêm tướng, cả bọn không ai dám rời khỏi vị trí. Từ quân đến tướng, ai cũng mong cho trời mau sáng.

Đối phương hò reo, lại hò reo. Chiêm quân chờ đợi, lại chờ đợi.

Song phương đối trận đến gần sáng thì phía Đông Giang tộc rút lui. Đối phương không tấn công khiến Chiêm tướng rất bất ngờ. Thế nhưng, sau khi trời sáng, gã kiểm tra doanh trại, kiểm điểm ba quân thì trở nên lồng lộn điên cuống, bởi phương hướng mà gã đoán là thật thì chỉ là nghi binh, còn các hướng khác mà gã cho là nghi binh thì lại là thật công.

Cho đến khi gần sáng, các dinh khác trong doanh trại đều đã bị đối phương công phá, trừ số quân chưa đến nghìn người theo gã phòng thủ nam dinh, những người còn lại đều đã trận vong hoặc trọng thương mất sức chiến đấu. Những người này hầu như đều là thương binh bị ong chích hay những người đã cõng thương binh vào ban ngày, do mệt quá nên đêm đến là ngủ vùi, bị tấn công mà không kịp trở tay. Tình thế quân Chiêm lúc này vô cùng tồi tệ. Chỉ còn hơn 900 quân là còn sức chiến đấu, với điều kiện là bỏ mặc những kẻ thọ thương. Mà nếu làm thế thì sẽ khiến sĩ khí đại giảm, bởi sĩ binh không ai chắc rằng sắp tới mình không thọ thương, hay thọ thương rồi không bị bỏ mặc. Đường hành quân sắp tới chắc chắn rất là khủng bố. Thủ đoạn của đối phương bọn họ đều lần lượt nếm qua rồi. Rất đáng sợ a.

Ngày hôm đó, quân Chiêm ở lại doanh trại củng cố đội ngũ, chữa trị cho người bị thương chứ không tiếp tục hành quân. Hơn nữa, Chiêm tướng tiến thoái lưỡng nan, bởi với lực lượng còn lại lúc này, không đủ năng lực tấn công Đông Giang tộc nữa. Nhưng chẳng lẽ như thế này lại quay về.

Đến tối hôm sau, người của Đông Giang tộc lại kéo đến. Lần này bọn họ không bất thần tập kích nữa, mà đường đường chính chính kéo đến. Lực lượng Đông Giang tộc lúc này rất đông đảo, lên đến 3.000 người, gồm 2.000 dân binh và 1.000 ‘dự binh dân binh’. Có điều bọn họ không tấn công vào doanh trại, chỉ bao vây bên ngoài. Quân Chiêm cũng chỉ phòng ngự ở bên trong, chờ trời sáng. Lần này bọn chúng học khôn hơn, co cụm lại ở nam dinh, không phân tản ra như trước nữa. Cả bọn đều hiểu rằng truy đuổi nhau trong rừng, dù là ban ngày thì phần bất lợi cũng thuộc về bọn chúng, chứ đừng nói chi là giữa đêm hôm tăm tối thế này.

Phía bắc doanh trại quân Chiêm, hai cha con Trưởng lão Phạm Thế Hưng và Phạm Thế Căng quan sát vòng vây, thầm hài lòng. Phạm Thế Căng hỏi :

- Phụ thân. Chúng ta chỉ bao vây như thế thôi à ?

Trưởng lão Phạm Thế Hưng cười hắc hắc nói :

- Sao lại chỉ bao vây như thế. Đại nhân đã biết trước sẽ có chuyện này nên đã sắp đặt cả rồi. Hắc hắc. Ta đã chuẩn bị một bữa tiệc thịnh soạn cho bọn chúng rồi. Lát nữa sẽ thấy.

Phạm Thế Căng rất hiếu kỳ, nhưng dù có hỏi thế nào thì cũng vô ích, chỉ được bảo : chờ lát nữa sẽ biết.


/130