1976

Chương 7 - Chương 7

/30


Buổi tối thím chuẩn bị giường ngủ cho chúng tôi, tôi và Vương Câu Đắc Nhi cùng ngủ một giường ở phòng khách. Dường như những người nông dân không muốn cho con cái của họ ngủ một mình. Tôi cẩn thận đánh răng, rửa mặt và tay chân sạch sẽ mới lên giường, áo ngủ của tôi đổi thành vải dệt bằng lụa tơ tằm. Áo ngủ rất đơn giản, thuần một màu vàng nhạt trông rất sang trọng.

Giường ngủ cũng không quá sạch sẽ, tôi không biết trước đó có ai ngồi lên đây hay chưa nên trong lòng không khỏi cảm thấy chán ghét.

Trên mặt Vương Câu Đắc Nhi toàn là bùn đất và mồ hôi, không thèm rửa mặt đã trực tiếp bò lên giường ngủ. Tôi thấy cậu ta như thế thì có chút không thích, liền bò vào bên trong. Tôi còn chưa nói gì, Vương Câu Đắc Nhi đã kéo kéo áo ngủ của tôi: “Chậc chậc.”

“Buông tay.” Tôi nhấc tay lên, cảm thấy quan hệ của chúng tôi không còn thân thiết như trước kia nữa, “Đừng làm bẩn.”

Vương Câu Đắc Nhi lại “chậc” một tiếng, nhìn cậu ta tâm tình không tệ, có lẽ không nhớ nhà cho mấy. Còn lòng tôi thì đã bị thương rồi, đau đến không thở nổi, bởi vì quá nhớ nhà.

Nhưng hôm nay thật sự rất mệt, chúng tôi vừa nằm xuống đã ngủ mất. Tôi xoay mặt vào trong vách, tôi vốn không quen ngủ giường lạ, huống hồ cái giường này có mùi khói. Một giấc này ngủ không được sâu, tôi vừa tỉnh lại đã đập vào mắt hình ảnh Vương Câu Đắc Nhi ngủ say đến chảy nước miếng. Tôi nhìn ra ánh trăng lưỡi liềm ngoài cửa sổ, nhớ tới cố hương, nước mắt lặng lẽ chảy xuống.

Sáng sớm thức dậy, tôi bỗng thấy hoảng sợ vì mình đang ở một nơi hoàn toàn xa lạ. Tôi rất muốn khóc, nhưng không thể khóc được. Tôi hy vọng đây chỉ là một giấc mơ, tôi muốn dùng nắm đấm nện vào gối, nhưng lại phải có “bộ dáng đại thiếu gia.”

Tôi rầu rĩ không vui, rời giường xong liền đi đánh răng rửa mặt, Vương Câu Đắc Nhi còn chưa dậy, lúc tôi xuống giường có đạp nhẹ cậu ta một cái, nhưng cậu vẫn không chịu dậy mà ngủ như heo chết. Trong nhà bây giờ không thấy chú đâu, chỉ có mỗi thím đang giặt đồ.

“Thím.”

“Dậy rồi à? Tối qua ngủ ngon không?”

“Rất ngon ạ, chú đi đâu rồi thím?”

“Chú đến đội sản xuất rồi.”

“Thím không đi sao?”

“Thím chờ mấy đứa dậy.” Thím chỉ trên mặt bàn, “Đồ ăn sáng và cơm trưa đều nấu xong rồi, khi ăn thì hâm nóng lại, không hâm cũng được, đừng chỉ lo chơi mà chạy quá xa đó.”

Tôi gật đầu, sau đó đi đến bên bàn yên lặng ăn cơm. Đây chính là một ngày của tôi? Sau này đều như vậy? Không thể trở về? Chỉ trong nháy mắt mà đã từ phượng hoàng biến thành chim sẻ thế này sao?

Vương Câu Đắc Nhi cũng đi đến, bùn đất và mồ hôi trên mặt không biết cọ vào đâu mà không còn nữa. “Mộ Đông.” Cậu vừa ngáp vừa gọi tôi. Tôi gật đầu, đưa lưng về phía cậu ta.

“Cậu bị sao thế?” Vương Câu Đắc Nhi thấy tâm tình tôi không tốt liền hỏi.

Tôi nghĩ thầm cho dù cậu có rời nhà thì trước kia cậu cũng rất nghèo, đương nhiên là thích ứng nhanh rồi nhưng tôi không chỉ là rời nhà mà còn bỗng chốc từ đại thiếu gia nhà giàu biến thành đứa trẻ không cha không mẹ, tôi làm sao mà thích ứng cho được.

Tôi lắc đầu, yên lặng ăn cơm xong, sau đó lấy chiếc áo bông ra mò vào khe hở bên trong, đem ngân trâm nắm chặt trong tay, lúc này mới cảm thấy an tâm một chút. Ngân trâm lành lạnh như nước, xúc cảm trơn nhẵn khiến tôi dùng sức nắm chặt, tựa như muốn khảm nó vào lòng bàn tay.

Thím cũng đi đến đội sản xuất, trong nhà chỉ còn hai đứa nhóc không biết phải làm gì. Vương Câu Đắc Nhi chạy đi tìm Nữu Nhi, còn tôi không biết đi đâu, đành bước ra cửa trước. Tôi nhìn ngôi nhà lầu ba tầng bên đường, lúc này cửa chỉ khép hờ, tôi đưa mắt trông mong nhìn vào, lại nhớ đến ngôi nhà ở Liên Vân Cảng. Đột nhiên tôi có một loại suy nghĩ vừa hâm mộ vừa ganh tị.

Tôi quyết định cho mình nửa phút không làm đại thiếu gia, liền thanh thanh cổ họng la lớn về phía bên đó: “Một lầu thì bẩn, hai lầu thì đẹp, ba lầu bốn lầu không có nước!”

Hừ, ai bảo mày ba lầu hả, một lầu bẩn, ba lầu không có nước sông, không có nước máy.

Bên kia vẫn một mảnh yên tĩnh.

Tôi vô cùng bực bội, đang muốn trở vào nhà thì sau lưng truyền đến một giọng nói nhẹ nhàng: “Phải ra dáng đại thiếu gia chứ.”

Tôi giật mình, quay đầu lại nhìn thì phát hiện một thiếu niên cao cao đang đứng trước cửa lớn màu đỏ. Anh ta mặc áo trắng có kẻ sọc đỏ, quần màu đen, áo bỏ vào quần và đeo dây nịt, dưới chân còn mang một đôi giày da. Anh tùy tiện dựa vào cửa, mang theo ý cười nhìn tôi.

“Lý Ngôn Tiếu?”

“Ừ, thì ra em ở chỗ này.”

Lý Ngôn Tiếu ở trong tòa nhà này? Tôi lập tức cảm thấy xấu hổ: “Xin lỗi, vừa rồi em…”

“Không có gì đâu, dù sao em vẫn là con nít.”

“Anh ở trong nhà này sao?”

“Đúng thế.”

“Lầu mấy?”

“Cả tòa nhà này đều là của nhà anh.”

Tôi không khỏi kinh ngạc, nói như thế thì anh ấy rất giàu có?

“Cả nhà anh đều ở chung sao?”

Lý Ngôn Tiếu nhẹ nhà nở nụ cười: “Ừ, cả nhà anh đều ở trong này.”

Thật tốt, thật hâm mộ anh ấy, có thể ở cùng một chỗ với gia đình.

Lý Ngôn Tiếu rất nhạy cảm, lập tức bắt được tâm hồn nhỏ bé đang thất lạc của tôi: “Nhớ nhà à?”

Tôi lắc đầu, cố nặn ra bộ dáng tươi cười.

“Nhớ nhà, nhớ người thân…” Lý Ngôn Tiếu xoay mặt đi, tôi chỉ thấy được sườn mặt anh, lưng dựa vào cột gỗ, hai tay bỏ vào túi quần, “Anh cũng muốn, nhưng anh chỉ là con hát…”

Bộ dáng anh rất thong thả, giọng nói chậm rãi. Bà nội rất thích bộ dáng như thế này, nhưng tôi có chút sốt ruột, không hiểu anh nói con hát là có ý gì, vì vậy chuẩn bị cả buổi mới dám hỏi: “Là con hát thì sao?”

“Anh chỉ có thể nhập vai người khác, chảy xuống nước mắt của chính mình.”

Lý Ngôn Tiếu nói xong thì nhìn tôi nở một nụ cười thê lương. Tôi bị những lời vừa rồi làm cho rung động, thật lâu vẫn chưa nhúc nhích. Tôi bỗng nhớ tới câu nói vừa rồi của anh, “Phải ra dáng đại thiếu gia chứ.” Những lời này thật sự không khác với bà nội chút nào.

Phải ra dáng đại thiếu gia chứ.

Lý Ngôn Tiếu này, chắc hẳn cũng có một ít chuyện cũ đây.

Thế nhưng nếu không phải là con hát, cũng không phải đại thiếu gia thì có thể lớn tiếng mà khóc sao?

“Đừng nghĩ nhiều.” Lý Ngôn Tiếu bước vào cánh cửa đỏ thẫm, “Đi, anh đưa em đi chơi.”

“Anh không đi học sao?”

“Đang kỳ nghỉ đông, anh còn rất nhiều thời gian đi chơi với em.”

Anh dẫn một chiếc xe đạp từ trong sân ra. Xe đạp, đây chính là thứ mà tôi tha thiết ước mơ. Anh ngồi lên yên trước, một chân chống đất một chân đặt trên bàn đạp, sau đó nói: “Lên nào, anh chở em.”

Thế là tôi vô cùng vui vẻ ngồi lên, hai tay ôm eo Lý Ngôn Tiếu. Chân anh đạp một cái, chiếc xe liền vững vàng tiến về phía trước. Tôi hỏi anh: “Chúng ta đi đâu?”

“Hồ nước bên cạnh.”

“Hồ nước đã kết băng chưa?”

“Có băng rồi.”

“Bao giờ Thanh Đảo mới có tuyết rơi?”

“Nhanh thôi, lạnh thêm chút nữa sẽ có.”

“Anh học lớp mấy rồi?”

“Vừa tốt nghiệp tiểu học, sắp sửa lên trung học.”

Tôi nhìn bàn chân Lý Ngôn Tiếu đang đạp xe một vòng rồi lại một vòng. Quần tây màu đen được là phẳng phiu, li quần thẳng thớm rõ ràng. Gấu quần không bị dính bùn, vừa vặn che tới mặt giày. Giày da màu nâu được lau sáng bóng, một chút bùn đất cũng không có. Trừ cha tôi ra, đây là lần đầu tiên tôi thấy một người đi giày da.

Những năm 60 của thế kỷ 19 là thời đại của sự tiết kiệm mù quáng, tất cả mọi người chỉ mặc đồ màu lam, đen, xám, và màu lục, dường như trên quần áo mỗi người đều có miếng vá, có người dùng vải tiệp màu, có người lại vá bằng vải màu chói lọi. Tôi tận mắt thấy một đứa nhỏ tự xé áo cho có chỗ rách, sau đó lại mang về cho mẹ nó vá.

Cũng không phải người ta cấm đi giày da, nhưng nếu bạn đi giày da sẽ có rất nhiều ánh mắt kỳ quái nhìn bạn, khiến bạn xấu hổ vô cùng, cảm giác cứ như đây là việc không đúng không đẹp vậy.

“Ai…” Lý Ngôn Tiếu vừa đạp xe vừa thở dài một hơi, “Hiếm khi thấy được một đứa nhóc khác biệt như vầy.”

“Khác cái gì?”

“Rất sạch sẽ, có khí chất, không nhiễm một hạt bụi.” Lý Ngôn Tiếu dừng một chút rồi bổ sung thêm một câu: “Anh rất thích em thế này, anh cảm thấy em không giống với người khác.”

Tôi nở nụ cười, lần này là xuất phát từ nội tâm: “Anh cũng giống như thế chứ?”

“Đương nhiên, cho nên anh mới thích đứa nhóc tương tự như anh.”

“Cha anh làm nghề gì?”

“Cha anh ấy hả…” giọng nói Lý Ngôn Tiếu trở nên cô độc, “Ông ấy là sĩ quan của Quốc dân đảng, lúc mới giải phóng ông đi Đài Loan, giờ đã không còn tin tức nữa.”

“Vậy mẹ anh đâu?”

“Hôm qua em đã gặp mẹ anh rồi.”

Tôi bắt đầu lục lại trong trí nhớ những người đã gặp hai ngày nay: “Em không nhớ rõ.”

“Hôm qua mẹ anh diễn vở Bá Vương Biệt Cơ, diễn vai Ngu Cơ.”

“Ơ?” Tôi kinh ngạc hô một tiếng, “Người đó là mẹ anh sao?”

Lý Ngôn Tiếu giống như dự liệu được tôi sẽ kinh ngạc, “Ừm.”

Tôi nghĩ tới khuôn mặt vô cùng xinh đẹp ấy: “Sao mẹ anh còn trẻ thế?”

“Anh là con cả, lúc mẹ anh sinh anh ra còn chưa tới hai mươi. Hiện tại cũng chỉ mới hai mươi tám. Trong nhà nhiều người như thế nên mẹ anh không cần phải làm việc vất vả gì. Suốt ngày chỉ hát hí khúc…”

“Anh có anh em không?”

“Có, còn một đứa em gái, nhưng lúc trước nó đi theo cha, sau khi giải phóng cùng mất tích với ông ấy, không biết có phải đi Đài Loan rồi hay không.”

“Vậy bây giờ trong nhà anh là người nhỏ nhất?”

“Đúng vậy nha.”

Tôi nhớ tới khoảng thời gian trước, trong nhà tôi cũng là người nhỏ nhất, tuy bị người lớn dạy dỗ nghiêm khắc nhưng so ra cũng an nhàn sung sướng. Mà giờ đây, thật sự làm tinh thần tôi chán nản.

Chúng tôi đạp xe đến một cửa hàng nhỏ bán quà vặt.

“Vào trong đi, em xem mình thích ăn cái gì.” Lý Ngôn Tiếu đỗ xe xong rồi theo thói quen khoác tay lên vai tôi, “Chẳng hạn như kẹo đường này, đồ chơi này…”

“Anh có tiền?”

“Ừ.”

“Không cần tốn tiền của anh đâu.” Tôi bỗng trở nên khách khí, “Em có đem theo một ít tiền tiêu vặt.”

“Anh lớn hơn em thì đương nhiên phải bao em rồi. Dòng họ anh nhiều như vậy, vừa đến năm mới là có cả đống bao lì xì, tiêu không hết được. Mà cũng sắp bước sang năm mới rồi, anh phải đem tiền năm cũ tiêu sạch mới được.”

Tôi nghĩ thầm, để dành tiền là chuyện tốt mà. Nhưng một câu cũng không nói, theo sau anh tiến vào cửa hàng.

Tôi lấy một túi kẹo đường và một cái bánh rán. Ở thời đại này, bất luận là gia đình giàu có hay nghèo hèn, ai cũng thiếu dầu mỡ, bởi vì lúc ấy phải mua dầu bằng tem phiếu, mỗi người được hai tem phiếu, bình quân một tháng mỗi người được nửa cân dầu.

Chúng tôi đi ngang một kệ sách, Lý Ngôn Tiếu mua cho tôi một quyển sách, thì ra là truyện tranh. Tôi nói với anh: “Anh không xem truyện tranh hả?”

“Anh đọc truyện chữ. Em biết chữ chưa?”

“Biết, nhưng em không đọc truyện chữ.”

“Đọc chữ nhiều vào, truyện tranh chỉ dùng để giải trí thôi. Như là “Thủy Hử” này, “Tam quốc chí” này… đều là những sách nên đọc.”

“Mấy tình tiết trong đó em biết cả rồi.”

“Sao?” Lý Ngôn Tiếu hỏi, “Về Chu Du thì sao?”

“Không phải ổng chết vì ganh tị với Gia Cát Lượng à.”

Lý Ngôn Tiếu cười hai tiếng: “Đúng thế, nhưng đọc sách không giống với nghe kể chuyện, đọc sách chủ yếu là coi cách hành văn, diễn đạt câu từ của người ta. Đọc sách khiến cho một người trở nên khác biệt.”

“Em có đem đến mấy cuốn sách, đều là tư tưởng Khổng Mạnh.”

“Những sách đó nên đọc, nhưng phải đọc nhiều loại sách hơn. Ví dụ như con nít bây giờ suốt ngày chỉ xem sách kháng Nhật, quên mình vì người, rồi kháng Mỹ viện Triều gì đó, những thứ này chưa đầy đủ về mọi mặt.”

“Nhà anh có sách không?”

“Có, em có thể tới nhà anh mà đọc.”

“Nhưng nếu có chữ em không biết thì sao?”

“Chữ nào không biết cứ hỏi anh, anh dạy em tra tự điển.”

Đi một lúc, Lý Ngôn Tiếu lại thở dài: “Đọc sách bao giờ cũng tốt, nhưng bây giờ cách mạng tới rồi, cũng không hiểu được Khổng Mạnh, truyền thống phong tục gì sau này cũng không còn để mà xem. Có lẽ chỉ có thể đọc mấy bà ca tụng Đảng và chiến tranh thắng lợi thôi…”

Nghe giọng anh nói, lòng tôi bỗng dâng lên một nỗi bi thương không tên, có thể ẩn ẩn cảm giác được ngày tháng sau này trôi qua không suôn sẻ.

Con đường chúng tôi đi qua càng lúc càng thưa thớt dân cư mà đồng ruộng thì bao la bát ngát. Lý Ngôn Tiếu chỉ chỉ bên trái: “Bên kia có một cánh đồng bông lau.” Tôi nhìn theo tay anh chỉ, trước mắt chỉ toàn một màu xám tro đang đón gió.

“Đến nơi rồi.” Lý Ngôn Tiếu còn chưa nói xong đã nhanh chóng phanh xe lại, chỉ nghe “két” một tiếng, xe đạp lập tức ngừng lại, tôi theo quán tính đập mạnh đầu vào hông anh một cái.

“Chuyện gì thế?” Tôi nhìn đằng trước, còn tưởng rằng anh tông phải người nào chứ. Anh xuống xe, tay trái dắt xe sau đó cho tôi một nụ cười.

Tôi bỗng hiểu ra, tỏ vẻ kháng nghị: “Sao anh không có bộ dáng của người lớn gì hết vậy?”

“Bộ dáng người lớn là như nào?” Anh vẫn cười nhìn tôi.

“Như em đây này.”

Lý Ngôn Tiếu bĩu môi không nói gì. Anh rất tự nhiên đặt tay lên vai tôi, cùng tôi sóng vai đi về phía trước. Chúng tôi đi trên một sườn dốc chếch xuống, xung quanh có rất nhiều cây cối, ở giữa là con đường đất nhỏ để đi. Chúng tôi đi dọc theo con đường nhỏ, được một lát tôi đã nhìn thấy một cái hồ tuy không lớn lắm nhưng lại rất thanh tịnh. Mặt hồ vẫn chưa đóng băng. Bên hồ không có một bóng người, chỉ có vài con quạ đen và chim sẻ đang hót ríu rít.

“Không có ai câu cá sao?”

“Không có ai câu cả.” Lý Ngôn Tiếu nhặt một hòn đá bên bờ hồ, “Bây giờ là mùa đông.”

“Mùa đông thì không có người câu cá ư?”

“Anh cũng không biết.”

Tôi đi đến bên hồ, nhìn mặt nước rồi lại nhìn đá vụn dưới chân: “Mùa đông cũng có thể câu mà.”

“Nhưng cá rất nhỏ…” Lý Ngôn Tiếu còn chưa nói xong đã ném hòn đá trong tay xuống mặt hồ, nhưng nó không lướt trên mặt nước mà vừa chạm một cái đã chìm nghỉm. Chúng tôi đều có chút thất vọng.

“Cá nhỏ thì không thể câu.”

“Đúng vậy.” Lý Ngôn Tiếu lại ném ra một hòn đá, lần này nó lướt được hai cái, “Cá con và cá mái thì không thể câu.”

Tôi cảm thấy thật kỳ quái, “cá con không thể câu” là mẹ nói cho tôi biết, trước kia bà học ở nước ngoài, đây là luật pháp của nước họ. Còn TQ thì mặc kệ chuyện này. Lý Ngôn Tiếu sao biết rõ như thế, còn cá mái cũng không thể câu?

“Sao anh biết được cái này?”

“Không nhớ nữa, chắc là người lớn nói.” Anh tìm một hòn đá bằng phẳng bên hồ rồi ngồi xuống. Tôi cũng đi qua ngồi cạnh.

Lý Ngôn Tiếu nói: “Ngày xuân rất đẹp. Đến mùa đông anh cứ cảm giác như cả ngày không dậy nổi, còn mùa xuân thì anh chơi suốt cả ngày.”

“Anh chơi với ai?”

“Một mình.” Lý Ngôn Tiếu muốn rút tay tôi ra từ trong tay áo, “Em lạnh à?”

Tôi vội rụt tay về: “Không lạnh.” Trong tay tôi còn nắm chặt ngân trâm của bà nội.

Tôi lấy một hòn đá vẽ lung tung trên đất, Lý Ngôn Tiếu vẫn bên cạnh nhìn tôi. Qua một hồi lâu, anh nói: “Anh cảm thấy, em rất khác biệt.”

“Chuyện này anh vừa nói rồi.”

“Là càng ngày càng khác biệt.”

Tôi không biết trả lời thế nào nên cứ im lặng không lên tiếng. Từ khi đến Thanh Đảo, tính cách của tôi ngày càng trầm lắng, không thích cười cũng không muốn nói chuyện. Tôi biết sự thay đổi này là do hoàn cảnh, tôi không thích mình biến thành thế này, nhưng cũng không cách nào thay đổi được.

Lý Ngôn Tiếu cảm giác được tôi đang nhớ nhà, liền nói: “Em có thể thử viết thư gửi về. Em biết viết không?”

“Biết.”

“Nhớ rõ địa chỉ không?”

“Nhớ.”

“Vậy sao không viết thư về?”

Nếu như chỉ thư từ qua lại mà không được gặp mặt, như thế chẳng phải nhớ nhung càng thêm mãnh liệt sao. Lý Ngôn Tiếu sao có thể hiểu được. Anh lại hỏi tôi: “Sao lại không viết nè?”

“Ai nha, anh im lặng một chút đi.”

Lý Ngôn Tiếu liền không nói thêm gì nữa, ngẩng đầu nhìn trời. Tôi cũng ngước lên nhìn, không ngờ nhìn một lúc khóe mắt lặng lẽ chảy ra một giọt lệ. Lại là mắt trái, đúng vậy, vẫn là bi thương và nhớ nhà.

“Ơ —— sao em lại khóc rồi?” Lý Ngôn Tiếu vừa quay đầu đã thấy tôi chảy nước mắt. Tôi không lên tiếng, cũng không hít mũi, chỉ lẳng lặng lau đi giọt nước mắt, sau đó như không có chuyện gì tiếp tục nhìn trời.

“Đây cũng là một điểm khác biệt, có tác phong của người lớn.” Anh cười cười, “Em của anh lúc sáu bảy tuổi cứ khóc oa oa suốt ngày. Em chỉ yên lặng khóc thế này, hẳn không phải trời sinh đã vậy.”

Tôi nghe âm thanh dịu dàng của anh, nước mắt lại không khống chế được mà rơi xuống. Anh không nói gì nữa, kéo đầu tôi đặt lên vai mình, tôi cũng không giãy dụa mà chỉ lặng im rơi lệ.

“Khóc đi, nhịn khóc mãi không tốt đâu.”


/30